Đặc sản xứ Cần Thơ

Ngày đăng: 10:38 AM, 03/10/2018 - Lượt xem: 707

“Cần Thơ gạo trắng nước trong – Ai đi đến đó lòng không muốn về”. Quả thật nếu ai đó có tiện chân qua vùng đất Cần Thơ, lỡ thưởng thức đặc sản chốn này có lẽ sẽ khó dứt áo ra về mà lòng không lưu luyến, bịn rịn.
  1. Hủ tiếu khô Sa Đéc

Ở vùng Cần Thơ xa xôi này, có một món ăn mang tên hủ tiêu những tưởng quen thuộc tại nhiều nơi, xong ở nơi đây thì lại khá mới lạ. Đó là bởi hủ tiếu được bày trong đĩa khiến người ta hiếu kỳ, tò mò thưởng thức.

Đây là một loại hủ tiếu đặc biệt của vùng Sa Đéc, một trong những đặc sản nổi tiếng của tỉnh Cần Thơ. Nhìn bát hủ tiếu với những cọng hủ tiếu tươi to, trắng ngà, bên trên là tim, gan, thịt heo thái, thêm chút hẹ, xà lách tươi cắt nhuyễn và hành phi giúp tăng cường sự hấp dẫn cho món ăn.

 

 

Điểm mà bất cứ ai cũng phải để tâm chú ý nhất là nước sốt màu vàng đậm rưới trên cùng bát hủ tiếu. Thực tế, đó là bí quyết làm nên vị khác lạ, ngon lành khi ăn.

Nhìn bát hủ tiếu hấp dẫn với từng sợi hủ tiếu mềm dai dai, quyện với nước sốt đậm đà, beo béo ngầy ngậy với mùi hành phi, thịt ngọt và rau xanh phù hợp giúp tạo cho cảm giác thú vị. Ngoài hủ tiếu khô, bạn sẽ có cơ hội được ăn hủ tiếu hấp lạ lạ, dành cho những ai yêu thích khám phá hương vị.

 

  1. Bánh đúc mặn Cần Thơ

Không phải chỉ ở vùng nông thôn mới có bánh đúc, ngày nay, bánh đúc đã trở thành món ăn quen thuộc, dân dã với mọi người. Một gánh bánh đúc thường chẳng có gì nhiều, ngoài mấy hũ mắm, nước cốt dừa, mỡ, hành, nhân tôm thịt bằm, dưa leo rau thơm và một khay bánh đúc bột trắng tinh tươm.

Bạn đã ăn bánh đúc mặn rồi thì đôi lúc sẽ nghĩ lại tại sao món ăn đó, đơn giản như vậy, dân dã như vậy mà lại tồn tại mãi trong tiềm thức của mình vậy.

 

 

Đĩa bánh đúc sở hữu một hương vị ăn một lần là nhớ mãi. Bột bánh thơm cộng với cái béo ngậy từ nước cốt dừa và vị mặn của tôm thịt khiến cho món ăn tưởng hơi dị này lại hấp dẫn, ngon lành đến kỳ lạ.

Trong những lễ hội bánh dân gian Nam Bộ ở Sài Gòn, món bánh đúc mặn cũng có mặt và đôi khi được cắt đặt rất đẹp mắt giữa vô số những loại bánh ngon làm từ bột gạo, giữ được vị trí đó trong lòng thực khánh, hẳn bánh đúc phải có bí ẩn gì đó. Chẳng thế mà dân gian mới có câu ca rằng “Bánh đúc ăn với cá kho, bán bò mà lo trả nợ”

Thực ra, bánh đúc không phải là món ăn xa xỉ hay lạ lẫm gì, đơn giản là một món ăn xuất hiện ở cả ba miền Bắc – Trung – Nam, và có đến tận hai chục loại có hơn kém khác nhau. Mỗi loại bánh ở từng địa phương lại sở hữu những nét đặc trưng khác nhau, vừa đủ cho mỗi người ăn trải nghiệm và ấm lòng.

 

  1. Rượu mận Sáu Tia

Được làm từ trái mận An Phước và mận hồng đào lá của miền Tây, rượu mận Sáu Tia nổi tiếng xa gần bởi hương vị thơm ngon, có lợi cho sức khỏe và phù hợp để làm quà.

Nhắc đến miền Tây là nhắc đến cơ man các loại rượu sản xuất từ trái cây như nho, sim, sơ-ri, chuối hột… được nhiều người ưa chuộng. Mỗi loại rượu trái cây của nơi này đều thể hiện xuất xứ của chúng, như nho ở Đà Lạt, chuối hột ở Bến Tre, trái sim rừng ở đảo Phú Quốc (Kiên Giang)… hương vị không thể lẫn vào đâu được. Hiện tại, Cần Thơ – xứ sở của khá nhiều cây trái cũng được nhắc đến rộng rãi nhờ một loại rượu mới, khá ngon mang tên rượu mận Sáu Tia.

 

 

Năm 2006, ông Nguyễn Phú Tia tự Sáu Tia ngụ ở miệt cù lao Tân Lộc, huyện Thốt Nốt, Tp. Cần Thơ đã điều chế thành công loại rượu mận độc đáo này qua hơn 6 năm mày mò, nghiên cứu. Từ đó, rượu mận mang tên tự của ông với hương vị vùng quê sông nước đã đóng vai trò quan trọng trong việc quảng bá cho người dân ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, du khách gần xa biết đến loại rượu đặc trưng này.

Trái mận ở vùng An Phước thường được hái lúc trái chín nên có mùi vị đặc trưng – và đó cũng là bí quyết của ông Sáu Tia. Được biết, rượu mận được sản xuất trong một quy trình thủ công điều chế bằng phương pháp nấu chứ không ngâm cất, do quy trình sản xuất là hỗn hợp nguyên liệu lên men được chưng cất nấu để lấy rượu. Rượu mận Sáu Tia hoàn toàn không sử dụng cồn và bất kỳ loại hóa chất hay hương liệu nào, và đặc biệt, loại rượu này để càng lâu càng tốt.

Một chia sẻ nếu bạn muốn thưởng thức loại rượu này đó chính là nên ướp lạnh trước khi uống thì sẽ ngon hơn. Rượu mận Sáu Tia không gây nhức đầu sau khi uống nên bạn cũng yên tâm hoàn toàn. Với những tác dụng như giúp hỗ trợ tiêu hóa, không làm người uống mệt mỏi, đau đầu, và phù hợp cho cả nam lẫn nữ. Thử cảm giác nhấp một ly rượu mận cay nồng màu trắng đục mang vị ngọt mùi mận bên cạnh những người thân bạn bè thì quả thực không còn gì có thể sánh được.

 

  1. Bánh xèo Cần Thơ

Có một điều thú vị mà khi đến du lịch miền Tây bạn sẽ cảm thấy ngạc nhiên, đó là việc người dân nơi đây không “làm” bánh xèo, thay vì đó là “đổ” bánh xèo. Khi đổ, người chế biến thường múc một chén bột đổ vào chảo gang đầy dầu ăn, đổ vào thấy có “xèo” nên dần dà cái tên bánh xèo cũng được khởi nguồn từ chính âm thanh vui tai ấy.

 

 

Để làm bánh xèo, người ta thường chọn loại hỗn hợp là bột gạo pha nước cốt dừa, nghệ củ để tạo màu vàng tươi và một ít hành lá thái mỏng để tạo thêm màu xanh t trên chiếc bánh vàng rộm sau khi đổ.

Khi lớp vỏ bánh gần chín, người ta tiếp tục cho nhân bánh thông thường gồm tôm, thịt, giá sống, củ sắn sống… vào bên trong; tuy nhiên, có những quán muốn tạo hương vị đặc biệt, lạ miệng nên họ có thể cho thêm củ hủ dừa và thịt vịt xiêm sắt sợi nhỏ. Bánh có thể ăn kèm với nhiều loại rau như: cải xanh, xà lách, các loại rau thơm.

Mùi vị món bánh xèo đặc trưng và không thể lẫn vào đâu được phần nhiều chính là từ sự giúp sức của “nước chấm”. Nước chấm phải được pha chế đúng kỹ thuật thì mới làm tôn lên hương vị của món ăn nóng sốt này. Chẳng thế mà mỗi người lại có một bí quyết làm nước chấm riêng.

 

  1. Bánh hỏi – heo quay Phong Điền

Đến vùng đất Cần Thơ, nếu như bạn có dịp ghé thăm Phong Điền với những vườn trái cây trĩu quả, hay tham gia hoạt động dã ngoại một ngày tập làm nông dân cùng nhiều họat động như hái rau vườn, bơi thuyền và giăng lưới bắt cá… thì thật là tuyệt vời. Thêm nữa, chỉ cần bạn đừng quên ghé nhà vườn Minh Cảnh để thưởng thức món bánh hỏi – heo quay ngon tuyệt do chính nhà vườn làm ra.

Bánh hỏi là món ăn dân dã được làm từ bột gạo, thường được ăn kèm với thịt heo quay, rau thơm và nước mắm chấm hoặc nước tương chua cay. Nếu như người miền Nam thích ăn bánh hỏi có tẩm mỡ hành thì người dân miền Trung lại thích ăn bánh hỏi thoa dầu lạc hoặc dầu dừa, trộn với lá hẹ xắt nhỏ. Và dù có là loại bánh nào đi chăng nữa thì cũng chứa đựng những hương vị riêng, không hề bị trộn lẫn.

 

 

Nhìn những cuốn bánh hỏi trắng tinh, trông nhỏ xíu, ăn kèm rau sống, heo quay nóng hổi, chấm nước mắm chua ngọt thì thử hỏi làm sao mà bạn không dễ ghiền.

 

  1. Ốc nướng tiêu Cần Thơ

Cho dù là đi đâu thì bạn cũng chẳng bao giờ thấy khó khăn khi muốn kiếm tìm ốc nướng tiêu trong các nhà hàng hiện nay. Tuy nhiên, khi về Cần Thơ, chỉ cần bạn ăn món này một lần là đã thấy ngon, lần khác lại thấy ngon hơn.

Từng con ốc bươu mà người miền Tây còn hay gọi là ốc bưu, đem luộc sơ. Khi có yêu cầu, bỏ nồi ốc lên bếp than, vừa nướng vừa thêm mắm pha tiêu, tỏi, bột ngọt vào… sau đó chờ trong chốc lát thì nước trong ốc sôi lên, một chút là được. Không được để nồi luộc ốc lâu quá, ốc sẽ khô, không còn ngon ngọt nữa.

Ốc được luộc sơ sẽ cho vào nồi rồi bỏ lên lửa than nướng, vừa nướng vừa bỏ nước mắm đã có sẵn gia vị như tiêu, tỏi, bột ngọt… khi thấy nước bên trong con ốc sôi lên, hơi cạn xuống thì cho vào đĩa lót rau răm thơm phức. Ốc nướng theo cách này sẽ vừa ăn, hơi cay, ngọt mặn, vừa giòn đều hấp dẫn, không chỉ ăn thịt mà húp nước ốc cũng rất tuyệt. Hoặc chọn loại ốc được nướng tươi sống trong lúc nướng cho nước mắm, lại có vị chua cay gia vị vào, nướng cho đến khi hơi khét vỏ thì mùi thơm của nó sẽ trở nên hấp dẫn hơn, khi ăn rất giòn.

 

 

Sau khi luộc xong, từng con ốc nguyên vò được vớt ra rồi bày lên đĩa cùng rau răm khiến ai cũng phải suýt xoa. Khi thưởng thức, bạn sẽ thấy món này vừa ngon, giòn, và ngọt, gia vị đậm đà giúp thỏa mãn “cơn thèm” của bạn.

Đến với Cần Thơ, khi bạn đã ăn hết những món ăn hải sản hấp dẫn khác, thì đừng quên ốc nướng tiêu, món ăn dân dã nhưng không phần cầu kỳ cho những ai biết thưởng thức.

 

  1. Chuối nếp nướng Cần Thơ

Vào những ngày chớm thu se lạnh, chỉ cần bất giác nhìn thấy hàng bánh khoai, bánh chuối… hẳn khó ai có thể cẩm lòng được. Ở đâu thì cũng có nướng khoai, nướng chuối, nướng ngô theo cùng một kiểu, trong đó món chuối nếp nướng lại hoàn toàn khác biệt.

Ở Sài Gòn thì trái chuối nếp thon dài, ở Mỹ Tho thì trái to bự đến mức chỉ cần ăn một quả cũng đủ căng bụng, còn ở Cần Thơ thì trái chuối nướng be bé, xinh xinh, không thon dài mà cũng không mập. Chuối nếp nướng muốn ngon thì phải chọn những trái có màu nâu giòn ở lớp nếp ngoài, màu trắng mềm ở lớp nếp trong, màu vàng vừa chín tới của trái chuối chứ không chọn loại chuối chín nhũn. 

 

 

Khi trời đổ mưa mưa, chỉ cần cầm trái chuối nướng nóng vùi trong tấm lá chuối tươi vừa mua ở gánh hàng rong, vừa xuýt xoa thổi vừa cắn ngập hàm răng vào, hẳn bạn sẽ thấy được cảm giác hạnh phúc khi được thưởng thức món ăn vừa lạ vừa hay. Món ăn này hoàn toàn không phải sơn hào hải vị, mà đơn giản đó là một thú ăn chơi, ăn một lần là ghiền luôn món chuối nướng thơm mùi ruộng đồng dân dã này.

 

  1. Bánh tằm bì Cần Thơ

Bánh tầm bì ở Cần Thơ có một hương vị vô cùng đặc biệt: bánh luôn nóng hổi do được hấp trong một cái xững trên bếp than. Khi được tận mắt nhìn những sợi bì óng ánh tươm mỡ, thơm ngon bạn sẽ thấy phần nào dao động.

Tiếp đến, bạn nhìn bát nước mắm thì vàng sóng sánh, trong vắt. Vị béo của nước cốt dừa hoà quyện vào những sợi bánh tầm trắng phau, ăn kèm với rau, giá, dưa chua; nếu bạn bỏ thêm chút mỡ hành thì món ăn này sẽ tuyệt vời hơn.

Món bánh này được tạo ra bởi hai nguyên liệu chính là bánh tầm và bì. Nếu như bánh tầm làm từ bột được pha chế có liều lượng, ép bằng khuôn rồi hấp; thì bì lại là thịt, da heo luộc mềm, lạng mỏng; sau đó đem thái thành sợi rồi trộn cùng với thính gạo, tỏi tươi băm nhuyễn, tỏi phi vàng, đường muối…

 

 

Khi thưởng thức, người ta thường bày bánh tầm bì ra đĩa với chút dưa leo, rau thơm, nước cốt dừa béo ngậy, bên trên có thêm muỗng mỡ hành và được ăn cùng với nước mắm ớt cay ngọt. Vị mềm của bánh hòa chung nước dừa, bì giòn giòn, thịt ngọt ngọt và vị thính thơm nhẹ của các loại rau đã tạo thành món ăn tuyệt vời. Đặc biệt, bánh tầm bì ăn ít thấy ngán bởi các nguyên liệu đều không quá nhiều chất.

Bánh tầm bì xứng đáng trở thành một món ăn sáng vừa rẻ, lại vừa giản dị. Dù đi nơi đâu, hay có là người Cần Thơ xa quê sau này thì mong có dịp thưởng thức lại những hương vị ấy.

 

  1. Bánh cống Cần Thơ

Là một loại bánh dân dã, rẻ và ngon, nếu ai đã một lần ăn thì không dễ quên được hương vị của món bánh này. Người Cần Thơ thường xem bánh cống như là thứ quà vặt nên chỉ ăn vào buổi chiều hay tối, từ sau 4 giờ chiều.

Để làm được bánh cống thì cần có cái cống để đổ bánh. Cống là một vật dụng nhỏ và sâu lòng, hình dáng tựa như cái phin cà phê, có tay cầm dài như muôi múc canh. Trước đây, cống thường được đẽo gọt từ thân cây tre, về sau người ta làm cống bằng nhôm để có thể làm ra bánh to hơn, và thời hạn sử dụng lâu hơn. Bánh cống được làm từ các nguyên liệu chính là bột, đậu xanh và tôm. Bột pha chế qua nhiều công đoạn theo công thức ba phần gạo, một phần nếp, rồi ngâm một đêm trước khi đem đi xay mịn.

Sau khi cho bbột gạo nếp trong một túi vải cho ráo nước để lọc, người ta lại pha vào bột gạo nếp này một phần ba bột mì loại ngon, thêm nước, hành lá cắt nhỏ và gia vị. Hỗn hợp bột này không được lỏng như bột đổ bánh xèo.

Tiếp đó đến đậu xanh, một nguyên liệu cần phải được đãi vỏ cho sạch, nấu chín mà không nát. Thịt heo băm nhuyễn, xào chín, trộn chung với đậu xanh. Sau cùng cho chút muối, chút bột nêm vào. Tôm tươi thì đem rửa sạch, để ráo, cắt bớt chân và râu nhưng không nên bỏ vỏ vì lột vỏ khi chiên sẽ kém giòn.

 

 

Sau đó chuẩn bị xong bánh, bạn cho dầu ăn ngập cống vào trong chiếc chảo sâu lòng. Đến lúc dầu sôi, người ta cho ít bột vào cống, rồi cho vào một muỗng đậu xanh và thịt làm nhân bánh, sau đó đem đổ thêm một lớp bột lên trên nhân bánh. Cuối cùng mới đến một vài con tôm.

Chứng kiến cống ngập trong dầu ăn đang sôi trong chảo bạn càng cần bình tĩnh hơn. Phải để lửa nhỏ thì bánh mới giòn đều từ ngoài vào trong. Khi bánh chín vàng thì nhấc cống ra, khéo léo đổ bánh ra đĩa.

Bánh cống thường được ăn với nước mắm chua ngọt và các loại rau diếp cá, đọt xoài, cải đắng, xà lách, húng quế… Nhìn đĩa bánh vàng ươm cùng rổ rau tươi xanh cũng quá đủ để thu hút bạn thưởng thức. Cắn miếng bánh bạn sẽ cảm nhận được mùi đậu xanh, thịt, tôm chiên trộn lẫn vào nhau thơm đến nức mũi. Sau đó đến cảm giác cay cay khi chấm vào bát nước mắm có ớt, tép chanh, và vài cọng dưa chua đu đủ… tất cả tạo nên một món ăn phong phú về màu sắc và độc đáo về mùi vị.

 

  1. Lẩu mắm Cần Thơ

Lẩu mắm là món ăn dân dã, đặc sắc của miền Tây, bởi nhiều yếu tố ẩm thực mang tính đặc trưng của miền sông nước, cộng với nguyên liệu chế biến từ cá đồng, cá sông và các loại rau sẵn có trong vườn nhà. Những ai sành ăn thì đều khen lẩu mắm Cần Thơ là nhất nhì hiện nay. Tuy nhiên mắm muốn ngon phải có xuất xứ từ Châu Đốc – thiên đường các loại mắm độc đáo.

Mắm nấu lẩu phải có ít nhất là ba loại mắm: mắm sặc để có mùi thơm; mắm trèn để tăng vị ngọt đậm và màu sắc đặc trưng; mắm linh để tạo vị béo đặc biệt của cá đồng. Lẩu mắm ngon là lẩu không quá mặn, nồi lẩu phải có màu nâu đặc trưng, nước sánh nhờ tỏi ớt băm nhuyễn, kết hợp với sả. Sau khi nấu cho ra hết hương vị của mắm, lọc lại thật kỹ; cho thêm nước dừa tươi và nước hầm xương heo (tăng vị ngọt) vào hỗn hợp mắm, nấu nhỏ lửa để mắm và hương vị nước dừa dịu lại, dậy mùi thơm. Nước lèo lẩu mắm đúng độ thì phải có hương vị thơm ngon, đậm đà.

 

 

Ngoài mắm ngon, nồi lẩu không thể thiếu cà tím, thịt ba rọi, cá hú, cá lóc, mực, tôm, chả cá… Đặc biệt là rau xanh sẽ giúp làm tăng thêm vị ngon cho nồi lẩu. Rau ăn lẩu cũng đa dạng, từ quen thuộc đến dân dã với đủ hương vị chua, đắng, ngọt, chát như bắp chuối, rau muống, rau nhút, rau đắng, bông súng, kèo nèo, bông bí, cải xanh, đậu rồng, bông so đũa…

Đặc biệt, thưởng thức lẩu mắm có thể dùng kèm nước mắm ngon hoặc nước mắm me kết hợp với ớt tươi tăng phần thú vị cho món ăn. Hãy thưởng thức lẩu mắm một lần để biết thêm về một phần hồn của ẩm thực miền Tây chắc chắn bạn sẽ nhớ mãi món ăn này đấy.

 

  1. Lẩu bần

Lẩu bần không phải chỉ hấp dẫn bởi cái tên “trái bần” đồng quê dân dã mà còn là bởi chính hương vị đặc trưng của món ăn. Vị chua của lẩu bần rất thanh và dịu mát. Khi thưởng thức lẩu bần, người ăn sẽ dễ dàng cảm nhận được mùi thơm dịu nhẹ của hương bần như gợi nhớ thương về “hương đồng gió nội”.

Bạn có thể thưởng thức lẩu bần vào bất cứ mùa nào. Nếu vào mùa bần thì sẽ có những trái bần chín cây tươi ngon; còn không sẽ là nước bần chiết xuất từ trái chín theo một công thức đặc biệt rồi được bảo quản trong ngăn lạnh để dùng quanh năm.

Nguyên liệu để có được một nồi nấu lẩu bần rất đa dạng, ngoài trái bần chín hay nước cốt bần, cá dùng để nấu lẩu cũng tùy theo mùa, hoặc là cá basa hoặc là cá diêu hồng hay cá ngát, thậm chí bạn cũng có thể chế biến ba ba hay cua đinh để nấu với bần vì sẽ có những vị ngon khó cưỡng.

 

 

Nấu lẩu bần cũng giống như nấu các loại lẩu khác của người miền Tây. Đầu tiên, lấy nước ninh từ cá tươi để tạo vị ngọt thơm đặc trưng, có thêm xương heo vừa ăn với một chút nước cốt me chua, ít rau thơm cắt nhuyễn và ớt lát để thêm vị cay cho nồi lẩu.

Nước lẩu bần có hương vị rất thơm, chua ngọt rất thanh và đặc trưng hương bần. Về phần cá khi được làm sạch, đem cắt khúc rồi cho vào lẩu chín tới. Khi ăn, người ta vớt cá ra bỏ vào đĩa nước mắm mặn với chút ớt lát giúp cho món cá thêm đậm đà.

Bạn cũng có thể dùng kèm lẩu bần với bún tươi, các loại rau đồng nội của miền Tây sông nước như bông súng, so đũa, điên điển, bắp chuối thái…

Hàng năm vào mùa nước nổi, người ta sử dụng các loại rau ăn kèm với lẩu bần khác như bông so đũa, bắp chuối hột, cọng bông súng và rau canh chua thông thường khác.

 

  1. Nem nướng Cái Răng

Nhắc đến nem nướng chắc chắn chúng ta sẽ đều mỉm cười và nói rằng, vùng nào mà chẳng có nem. Điều đó không sai, nhưng nem ở mỗi nơi thì lại có một hương vị, sắc thái riêng gắn với con người và thổ nhưỡng của địa phương.

Bên bờ kinh Cái Răng từ hơn nửa thế kỷ trước đã nổi lên một đặc sản nem Cái Răng – thứ nem do chính tay người phụ nữ được gọi là Tư Khem sáng tạo nên. Tất nhiên, nem Cái Răng lúc đó không chỉ nổi danh mà vẫn còn lưu lại ngày nay, khiến cho biết bao con người một khi đã đến đây cũng luôn phải tìm đến cho thỏa lòng.

 


Nem nướng Cái Răng ngon hàng đầu bởi được làm từ thịt lợn tươi, quết dẻo rồi vo tròn chờ nướng trên than hồng. Sau đó, đem từng viên nem tròn trĩnh được xâu bởi thanh tre chuốt nhỏ, đem nướng khéo léo đến vàng rượm. Khi ăn, chỉ cần tuốt nhẹ một cái, những viên nem đã nằm gọn trong đĩa, bên cạnh rê bánh hỏi Phong Điền trắng tinh nổi danh nhất vùng.

Không quá xa lạ khi người phương Nam thường hay dùng rau thơm gói bánh tráng. Và món nem nướng Cái Răng thì cần đến rau thơm, chuối chát, dưa leo, dứa, khế chua thì mới thấm vị. Bạn có tưởng tượng được cảm giác khi cầm một nửa chiếc bánh tráng nem mỏng tang, đặt ít rau, lát chuối chát, dứa, khế rồi để viên nem lên, cuốn lại; nếu ai thích có thể chấm vào chén tương xay đặc sệt vừa mịn, vừa ngọt thơm, nhất là loại tương đã được rắc thêm nhúm đậu phộng và chút ớt đỏ.

Ngoài món nước chấm bằng tương xay, bạn có thể chấm vào bát nước mắm chanh tỏi ớt không dễ gì quên được hương vị của nó.

Ngày nay, mỗi khi có dịp đến Cái Răng, ai ai cũng mong muốn tìm về hương vị xưa dẫu đã không còn trong món ăn để đời này.

 

  1. Bánh tét lá cẩm

Bánh tét ở Cần Thơ có rất nhiều loại, nhưng ngon nhất thì có lẽ thuộc về gia tộc họ Huỳnh ở Bình Thuỷ. Con cháu dòng họ này đã góp công khiến cho đòn bánh tét trở nên độc đáo hơn bằng cách nấu lá cẩm lấy nước, đem xào nếp dẻo với nước cốt dừa rồi dùng thịt, trứng vịt muối làm nhân.

Trước đây, nếu muốn thưởng thức món bánh tét lá cẩm Cần Thơ thì bạn phải tới chợ Xuân Khánh, An Thới, Mít Nài mới có thể mua được, còn hiện nay, bánh này đã được các cửa hàng đặc sản miền Tây bày bán rộng rãi.

 

 

Để làm bánh, người ta cần dùng đầy đủ các nguyên liệu truyền thống như nếp cẩm, đậu xanh, nước cốt dừa, thịt mỡ, bánh tét. Một số loại bánh tét lá cẩm còn được bổ sung thêm một số thành phần bắt vị như mỡ hành, lòng đỏ hột vịt muối thịt heo.

Muốn bánh tét ngon quan trọng nhất là phải lựa nếp thật tốt, không lẫn gạo tẻ như vậy thì bánh mới dẻo, còn ngâm với lá cẩm là để có màu tím tự nhiên. Nếu gạo nếp không rặt, thịt không tươi thì sẽ làm cho miếng bánh giảm độ ngon. Chọn lá cẩm phải tươi để nước lá cẩm không bị xuống màu. Thịt dùng làm nhân bắt buộc phải là thịt tươi, ướp cho ngấm gia vị. Trước khi gói, người ta thường xào nếp với nước cốt dừa.

Bánh tét chỉ cần nấu từ bốn đến 5 tiếng đồng hồ là chín. Khi cắt bánh ra bạn sẽ nhìn thấy vành ngoài ánh lên một màu tím mượt mà của nếp, bên trong là thịt, lòng đỏ trứng vịt muối, mỡ và đỗ tỏa mùi thơm.

Bánh tét tại các lò Chín Cẩm, Tư Đẹp cũng nổi tiếng, thường bán ở chợ Xuân Khánh, An Thới, Mít Nài… để phục vụ nhu cầu mua sắm làm quà của nhiều người.

10 món đặc sản ngon nổi tiếng của Tiền Giang

10 món đặc sản ngon nổi tiếng của Tiền Giang

10:43 AM, 03/10/2018
Nằm ở hạ lưu sông Cửu Long, tỉnh Tiền Giang là một vùng đất trù phú và màu mỡ, rất thuận lợi để phát triển các ngành nông nghiệp. Từ những đặc điểm về điều kiện tự nhiên thuận lợi, người Tiền Giang đã hình thành một nền văn hoá ẩm thực độc đáo khá hấp dẫn
Đọc tiếp...
Đặc sản ngon nổi tiếng của tỉnh Vĩnh Long

Đặc sản ngon nổi tiếng của tỉnh Vĩnh Long

10:38 AM, 03/10/2018
Tỉnh Vĩnh Long là vùng đất của những cây trái nổi tiếng trong nước, các món đặc sản ngon gần gũi mà du khách không nên bỏ lỡ khi có dịp đặt chân đến nơi đây.
Đọc tiếp...
10 Món đặc sản nổi tiếng của Bến Tre

10 Món đặc sản nổi tiếng của Bến Tre

10:40 AM, 03/10/2018
Cơm dừa, đuông dừa, kẹo dừa, bánh xèo ốc gạo, chuối đập… là những món ăn dân dã thơm ngon tuyệt hảo như chính bản tính con người nơi xứ dừa Bến Tre.
Đọc tiếp...
Đặc sản nức tiếng Cà Mau

Đặc sản nức tiếng Cà Mau

10:37 AM, 03/10/2018
Ẩm thực Cà Mau mang hương sắc đậm đà của biển và rừng, điều đó đã được in dấu rõ nét trong văn hóa ẩm thực. Người dân nơi đây đã tận dụng nguồn lợi có sẵn từ thiên nhiên để làm nguồn thực phẩm chính
Đọc tiếp...